Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão đang hướng vào đất liền

PV/VOV.VN | 12/06/2021, 11:34

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào Vịnh Bắc Bộ và có khả năng mạnh lên thành bão.

Hồi 10h ngày 12/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 90km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào Vịnh Bắc Bộ và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 22h ngày 12/6, vị trí tâm bão ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 120 km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 12 đến 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp đến các các tỉnh/thành phố khu vực Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 10h ngày 13/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền sau đó suy yếu thành  một vùng áp thấp.

Cũng theo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia, từ chiều nay (12/6), ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động mạnh.

Từ gần sáng ngày 13/6, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa gió mạnh dần lên cấp 5, giật cấp 6-7, vùng ven biển gió mạnh cấp 6, có nơi cấp 7, giật cấp 8.

Từ hôm nay (12/6) đến ngày 14/6, ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 80-150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt; riêng khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ có tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Do ảnh hưởng của rìa phía Tây áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão nên ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có nguy cơ cao xảy ra dông, lốc, sét và gió giật mạnh.

Cảnh báo lũ quét, sạt lử đất và ngập úng khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình:

Hiện nay mực nước trên các sông ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình đang dao động và ở mức thấp.

Cảnh báo: Từ hôm nay (12/6) đến ngày 15/6, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-6m.

Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ các sông chính còn dưới BĐ1; trên một số sông nhỏ khả năng lên mức BĐ1- BĐ2.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

Nguy cơ ngập úng cục bộ tại các khu đô thị, các tỉnh và thành phố như: tỉnh Phú Thọ (huyện Thanh Ba, Thanh Sơn, Hạ Hòa, Thị xã Phú Thọ), tỉnh Hà Tĩnh (Thị xã Kỳ Anh); Thành phố Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh (tỉnh Nghệ An) (Các thông tin về khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất được chi tiết đến cấp huyện trong các bản tin cảnh báo lũ quét sạt lở đất)./.

Bài liên quan
Năm 2024: Bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ở Biển Đông sẽ nhiều hơn
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, năm 2024, bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ở Biển Đông sẽ nhiều hơn, dự báo cơ cấu bão ở Biển Đông sẽ chiếm 1/3 so với toàn bộ số cơn bão. Điều đó đồng nghĩa với việc phòng, chống bão sẽ phải thực hiện nhanh hơn, gấp hơn vì bão trên Biển Đông sẽ tác động rất nhanh đến đất liền.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất