Ấn tượng sách giấy dó tại chợ sách “Một nét văn hóa Hà Nội”

Hà Phương/VOV.VN | 12/04/2021, 20:36

Bên cạnh những ấn phẩm học thuật, khách thăm quan sẽ được chiêm ngưỡng dòng sách di sản được ví là những tuyệt phẩm nghệ thuật trên giấy dó, một chất liệu mang đậm dấu ấn truyền thống.

Sự kiện "Một nét văn hóa Hà Nội" sẽ được diễn ra từ ngày 16-18/4 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Tại sự kiện văn hóa lần này, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức hướng tới kết nối sách với cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa thuần Việt, nhất là tạo lại đường nét văn hóa Hà Nội xưa. Tại đây, khách tham quan sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc với những hoạt động như làm giấy dó, làng cốm, hát xẩm, chiếu chèo..., cùng với các trò chơi dân gian. Một góc khác tại sự kiện, văn hóa Tết cổ xưa của Hà Nội sẽ được tái hiện qua những món ăn cổ truyền, cành đào, góc phố.

Theo chia sẻ từ BTC, sự kiện lần này sẽ trưng bày và bán các xuất bản phẩm với nhiều chủ đề đa dạng. Bên cạnh những ấn phẩm học thuật, khách thăm quan sẽ được chiêm ngưỡng dòng sách di sản được ví là những tuyệt phẩm nghệ thuật trên giấy dó, một chất liệu mang đậm dấu ấn truyền thống. Ví dụ như ấn phẩm "Kim Vân Kiều" in số lượng 100 bản trên giấy dó, có hộp sơn mài. Đó là kết tinh sức sáng tạo của các nghệ nhân sơn mài và những cuốn sách kỳ công in trên giấy dó. Ngoài ra, "chợ sách" lần này còn mang đến cho các em nhỏ các tác phẩm văn học Nga, nhắc nhớ tới một thời kỳ mà văn hóa Nga có tác động lớn tới đời sống của người Việt.

Sự kiện "Một nét văn hóa Hà Nội" theo kế hoạch sẽ là một phiên chợ sách thường xuyên nhằm tạo thói quen, thông lệ cho độc giả. Theo BTC, muốn độc giả thích sách, phải có sự kiện để kéo độc giả đến nơi có sách, chung tay phát triển văn hoá đọc của người Hà Nội nói riêng và văn hóa đọc người Việt nói chung.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ" Nói đến văn hoá đọc ngày nay, chúng ta có thể đọc sách qua mạng, nhưng điều tôi muốn nói ở đây đó là cách tiếp cận cổ điển truyền thống: sách in. Lĩnh vực này có lúc từng băn khoăn với câu hỏi: Sách đọc có còn vị trí trong đời sống hay không? Nhưng thực tế cho thấy đời sống của sách ngày càng phong phú, dù ngôn ngữ phương tiện số ngày càng phát triển mạnh. Sách tích hợp truyền tải giá trị văn hoá nghệ thuật đồng thời thể hiện ngôn ngữ viết, vẽ. Và quan trọng sách đòi hỏi ta phải nâng niu, đòi hỏi đầu tư hơn cho cuốn sách. Sách hiện nay ngày càng đẹp, đến với chúng ta thực sự là tác phẩm văn hoá nghệ thuật. Đó thực sự là nỗ lực của giới làm sách". 

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc tổ chức hội chợ sách, phiên chợ sách có nhiều hình thức phát triển. Bên cạnh các sự kiện trực truyến tạo ra thị trường mạnh mẽ phù hợp với hoàn cảnh hiện nay thì cách làm truyền thống vẫn cần phát huy. Ông mong sự kiện được tổ chức chuyên nghiệp, phong phú là nơi giao lưu để kích thích những anh chị em làm sách có nhiều sáng kiến hơn nữa, làm cho văn hoá học, tinh thần yêu sách lan toả hơn nữa. 

Trong khuôn khổ sự kiện “Một nét văn hoá Hà Nội”, các sự kiện sẽ được tổ chức thường xuyên và theo chủ đề. “Phiên chợ sách” đầu tiên diễn ra từ 16 – 18/4 tới chủ yếu trưng bày các dòng sách quý được làm bằng chất liệu giấy dó, truyền thống. Sau đó, tới tháng 6/2021 là chủ đề về sách thiếu nhi với các bộ sưu tập theo chủ đề này./.

Bài liên quan
Sửa đổi Luật Di sản văn hóa cần lấp những khoảng trống đang có
Sáng nay (12/1) tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị - Hội thảo tổng kết Luật Di sản văn hóa.
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu "3 tăng cường, 5 đẩy mạnh" trong chuyển đổi số
Thủ tướng yêu cầu ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 Chiến lược: phát triển Chính phủ số; phát triển kinh tế số và xã hội số; phát triển dữ liệu số. Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022-2023.
Mới nhất