3 quy định mới về đào tạo, chuẩn đầu ra có hiệu lực từ tháng 8/2021

Hà Cường | 01/08/2021, 07:20

Quy định về chuẩn đầu ra đào tạo đại học, thời gian và hình thức đào tạo trình độ tiến sĩ là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 8/2021.

Trong tháng 8 này, nhiều chính sách liên quan ngành Giáo dục sẽ có hiệu lực như quy định về chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học, đào tạo tiến sĩ; đối tượng tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp...

Chuẩn đầu ra đại học mới

Từ ngày 7/8, Thông tư 17/2021 của Bộ GD&ĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng, thẩm định và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học sẽ có hiệu lực, thay thế Thông tư 7 năm 2015.

Theo đó, chuẩn đầu ra yêu cầu đạt về phẩm chất và năng lực của người học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, gồm cả yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm của người học khi tốt nghiệp.

Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học được quy định như sau: Phải đo lường, đánh giá được theo các cấp độ tư duy làm căn cứ thiết kế, thực hiện và cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và cấp văn bằng cho người học. Phải nhất quán với mục tiêu của chương trình đào tạo, thể hiện được sự đóng góp rõ nét, đồng thời phản ánh được những yêu cầu mang tính đại diện cao của giới tuyển dụng và các bên liên quan khác.

Phải bảo đảm tính liên thông với chuẩn đầu vào của trình độ đào tạo cao hơn (nếu có), đồng thời tạo cơ hội liên thông ngang giữa các chương trình cùng trình độ đào tạo, nhất là giữa các chương trình thuộc cùng nhóm ngành hoặc cùng lĩnh vực...

Hiện chuẩn đầu ra chia thành 3 tiêu chí: Kiến thức - Kỹ năng - Năng lực tự chủ và trách nhiệm.

3 quy định mới về đào tạo, chuẩn đầu ra có hiệu lực từ tháng 8/2021 - 1

Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Chuẩn đào tạo tiến sĩ mới

Thông tư 18 năm 2021 của Bộ GD&ĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, quy định về thời gian và hình thức đào tạo có hiệu lực từ 15/8.

Theo đó, thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 3 năm (36 tháng) đến 4 năm (48 tháng) do cơ sở đào tạo quyết định, bảo đảm phần lớn nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian này.

Nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 1 năm (12 tháng), hoặc chậm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nhưng tổng thời gian đào tạo không vượt quá 6 năm (72 tháng)...

Ngoài ra, thông tư mới nới lỏng tiêu chuẩn trở thành tiến sĩ. Cụ thể, quy chế mới chấp nhận cả sách chuyên khảo, công bố tại tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước nếu nghiên cứu sinh là tác giả chính. Quy định trước đây chỉ công nhận các bài báo, báo cáo khoa học được đăng trên tạp chí nước ngoài.

Ngoài ra, nếu nghiên cứu sinh được nhận 1 giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia, quốc tế được công nhận bởi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền với lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành Thể dục thể thao thì cũng có thể được chấp nhận.

Đối tượng tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp

Thông tư số 5 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng có hiệu lực từ ngày 22/8.

Theo đó, đối tượng tuyển sinh đối với trình độ trung cấp là học sinh đã tốt nghiệp THCS và tương đương trở lên.

Đối tượng tuyển sinh đối với trình độ cao đẳng là người có bằng tốt nghiệp THPT; có bằng tốt nghiệp trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định.

Người học dự tuyển vào các nghề đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe, nghệ thuật và an ninh, quốc phòng ngoài các quy định trên còn phải thực hiện các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan và hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Hà Cường
Bài liên quan
Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 17/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu "3 tăng cường, 5 đẩy mạnh" trong chuyển đổi số
Thủ tướng yêu cầu ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 Chiến lược: phát triển Chính phủ số; phát triển kinh tế số và xã hội số; phát triển dữ liệu số. Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022-2023.
Mới nhất